Header Ads Widget

Công nghệ sinh học thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) chiếm khoảng 60% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP Hồ Chí Minh. Có được kết quả này, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng.



Nhờ triển khai các giải pháp ứng dụng CNSH vào sản xuất, đến nay, ngành nông nghiệp thành phố đã tạo ra các giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các công nghệ sản xuất các chế phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi; các công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Ðồng thời, CNSH đem lại hiệu quả cao, giúp giải quyết vấn đề hạn chế trong nông nghiệp như năng suất, kháng bệnh, cải thiện và bảo vệ môi trường... Trung tâm CNSH thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tham gia thực hiện các chương trình trọng điểm của thành phố và đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu theo hướng ứng dụng CNSH vào sản xuất. Trong đó, có việc ứng dụng CNSH vào công tác chọn tạo giống mới thích nghi điều kiện khí hậu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng, góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng cho cả khu vực phía nam.

Thạc sĩ Phan Diễm Quỳnh, Phó Trưởng phòng Thực nghiệm cây trồng, Trung tâm CNSH thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ðể khai thác có hiệu quả nguồn gien sẵn có phục vụ cho chương trình tạo giống mới và phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố, trung tâm thực hiện lưu trữ và bảo tồn nguồn gien các giống rau, hoa, kiểng lá và cây dược liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất. Trung tâm đã sưu tập được hơn 380 giống lan (trong đó có 145 giống lan rừng), 166 giống kiểng lá, 124 giống hoa nền, 26 giống hoa hồng và 110 giống dược liệu. Từ kết quả đánh giá tính thích nghi và các đặc điểm hình thái nổi trội, trung tâm đã chọn lọc những giống có khả năng thích nghi tốt, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng để tiến hành nhân giống in-vitro (thí nghiệm trong ống nghiệm). Hiện, trung tâm đang tiến hành nhân nhanh hơn 20 giống lan Dendrobium, ba giống lan hồ điệp, sáu giống lan rừng, sáu giống dược liệu. Ðáng chú ý, trung tâm ứng dụng hệ thống ngập chìm tạm thời (Temporary immersion system) trong việc sản xuất số lượng lớn cây giống hoa chuông, hồ điệp giúp tăng gấp 1,5 lần, rút ngắn thời gian nuôi cấy xuống ba đến năm lần so với cách nuôi cấy trước đây với sản lượng cây nuôi cấy mô đạt hơn 300.000 cây/năm, khả năng cung cấp cho thị trường khoảng 80.000 - 100.000 cây/năm.

Cũng theo Thạc sĩ Phan Diễm Quỳnh, Trung tâm CNSH thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống hoa lan Dendrobium, dưa lưới, cà chua bi, ớt ngọt, dưa leo, hoa chuông... đáp ứng mục tiêu chung của các chương trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. Chỉ tính riêng trong việc chọn tạo giống lan lai Dendrobium, trung tâm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ 12 dòng lan lai mới. Các dòng lan lai này mang nhiều ưu điểm vượt trội so với giống thương mại về khả năng ra hoa, chiều dài phát hoa, số lượng hoa, nhất là thời gian hoa nở kéo dài và ít bị nhiễm sâu bệnh. Trong hai năm gần đây, trung tâm đã cung cấp hơn 20.000 cây cấy mô từ 12 giống lan lai đã được bảo hộ để phục vụ xây dựng mô hình sản xuất lan Dendrobium gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðối với chọn tạo giống dưa lưới, trung tâm đã tuyển chọn được 15 dòng dưa lưới đạt độ thuần hơn 90% về một số tính trạng chính như dạng quả, mật độ lưới, khối lượng quả, độ giòn, độ ngọt. Ðã lai tạo năm tổ hợp dưa lưới lai F1 có triển vọng, trong đó nổi bật tổ hợp lai BC231 có năng suất tương đương đối chứng (đạt từ 30 - 35 tấn/ha) và vượt trội về khả năng kháng bệnh do vi-rút, bệnh phấn trắng, chết dây, nhờ đó cây giữ được bộ lá khỏe, cây sinh trưởng ổn định đến cuối vụ...

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp CNC thuộc Khu Nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh cũng đã nhân giống các loại hoa lan thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô để cung cấp cho thị trường trong nước với hơn một triệu cây giống một năm. Hiện, giống các loại hoa lan mà trung tâm cung cấp ra thị trường rẻ hơn các giống nhập khẩu từ 500 - 1.000 đồng/cây với chất lượng không thua kém gì các giống lan của nước ngoài nhập khẩu. Ngoài ra, chỉ tính riêng hoạt động nghiên cứu khoa học từ năm 2013 đến nay, trung tâm thực hiện thành công 170 đề tài, trong đó có các đề tài mang tính đột phá cao như công nghệ trồng cây không đất, công nghệ nhà màng, công nghệ tưới nước tiết kiệm, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền, công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật… Các kết quả nghiên cứu này được ứng dụng trong thực tiễn cao, rộng rãi, giúp nông dân nâng cao thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 lần so với canh tác truyền thống.

Theo các chuyên gia, nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành CNSH trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố đã sớm có chủ trương thành lập các đơn vị nghiên cứu với trọng tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNSH hiện đại đạt trình độ khu vực và thế giới. Mục tiêu là đến năm 2025, thành phố phấn đấu đưa nền CNSH thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước, góp phần đưa nền nông nghiệp đô thị tại thành phố có hiệu quả và giá trị cao. Hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ phục vụ việc phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp tại thành phố và các tỉnh trong khu vực. Ðồng thời, tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các kỹ thuật CNSH tiên tiến, tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xử lý môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, chất lượng, hiệu quả, duy trì và cải thiện môi trường sinh thái cho thành phố.

Nguồn: NongNghiepCongNgheCao.com