Header Ads Widget

Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Công nghệ sinh học là tập hợp các kỹ thuật khác nhau của các ngành khoa học về sự sống có khả năng khai thác và biến đổi các cơ thể sinh vật, các hợp phần của cơ thể sống và các quá trình sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù ở quy mô  lớn. Công nghệ sinh học bao gồm: công nghệ tế bào và mô phôi; công nghệ enzym và proteinvv… Công nghệ sinh học đã mang lại những hiệu quả to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế,… đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp bằng việc tạo ra các công nghệ mới, các phương pháp chữa bệnh mới, các sản phẩm mới mà các giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vacxin vật nuôi,vv… đã được ra đời.



Ngân hàng thế giới cũng đã tài trợ tổng cộng 2,3 tỷ USD cho 35 quốc gia để nghiên cứu về ứng dụng Công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó cho thấy công nghệ sinh học là yếu tố then chốt của ngành nông nghiệp mỗi quốc gia trong tương lai rất gần.

Ở Việt Nam, công nghệ sinh học hiện đại tuy mới phát triển song đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư. Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã cho thực hiện 4 chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học bao gồm: chương trình 52D; KC-08; KHCN-02; KC-04 và 1 chương trình Kỹ thuật-Kinh tế cấp Nhà nước. Cùng với các Chương trình cấp Nhà nước, các bộ chuyên ngành trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đầu tư nghiên cứu và xây dựng dự án phát triển một số lĩnh vực của Công nghệ sinh học chuyên ngành do vậy bước đầu đã thu được một số thành tựu đáng kể.

Hiện tại chúng ta đã làm chủ và tạo công nghệ nhân in vitro cho nhiều loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Trong đó:

Về trồng trọt, đã hoàn chỉnh được quy trình công nghệ nuôi cấy bao phấn lúa, ngô phục vụ công tác tạo giống. Kỹ thuật cứu phôi cũng được áp dụng đối với một số loài mà hạt có sức sống kém hoặc khi tiến hành lai xa. Các nhà khoa học cũng đã hoàn thiện quy trình tái sinh cây có múi bằng phôi vô tính kết hợp với công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để nhân nhanh và tạo giống cam, quýt sạch bệnh.

Trong lâm nghiệp, đã nghiên cứu thành công phương pháp vi nhân giống bằng nuôi cấy mô phân sinh kết hợp với công nghệ nhân hom ở quy mô lớn cho một số loài cây lấy gỗ (bạch đàn, keo, hông, lát hoa).

Trong chăn nuôi, công nghệ cấy truyền phôi được áp dụng để tạo đàn bò giống hạt nhân và bò lai hướng sữa. Các nghiên cứu về cắt phôi, thụ tinh trong ống nghiệm cũng đã đạt được kết quả ban đầu.

Một số ứng dụng công nghệ sinh học thành công trong nông nghiệp

Nhiều chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học được ứng dụng rộng rãi như NPV, V-Bt để trừ sâu khoang, sâu xanh hại rau, màu, bông, đay, thuốc lá. Chế phẩm vi khuẩn huỳnh quang (Pseudomonas fluorescens) phòng trừ bệnh hại rễ cà phê, vải thiều, lạc.

Các chế phẩm bả diệt chuột Miroca, Biorat có hiệu lực phòng trừ chuột 80-90% do được sản xuất dựa trên cơ sở vi khuẩn gây bệnh chuyên tính Salmonella enteriditis Isachenco

Công nghệ sản xuất chế phẩm bả diệt chuột sinh học trên cơ sở vi khuẩn gây bệnh chuyên tính Salmonella enteriditis Isachenco có hiệu lực phòng trừ chuột 80-90% cũng đã được ứng dụng trong sản xuất. Đã sản xuất và sử dụng chế phẩm diệt chuột Miroca, Biorat.

Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu sử dụng nấm có ích diệt côn trùng đã đạt được kết quả tốt như: Metarhizium flovoviridae trừ mối, châu chấu hại mía (hiệu quả phòng trừ đạt 76%), Beauveria bassiana trừ sâu róm hại thông (hiệu quả phòng trừ đạt 93,6%), hay Beauveria bassiana vàMetarhizium aníopliae phòng trừ sâu hại dừa đạt hiệu quả từ 56-97%; nấm đối kháng Trichoderma trừ bệnh khô vằn trên ngô đạt hiệu quả 45-50%, hạn chế bệnh lở cổ rễ đậu tương 51-58%. Hiện nay, các nhà khoa học đang hoàn thiện qui trình sử dụng nấm Exserohilum monoceras (nòi 85.1) để trừ cỏ lồng vực.

Trong lĩnh vực xử lý môi trường: đã ứng dụng thành công công nghệ Biogas để chuyển các chất thải hữu cơ thành khí đốt. Đã xử lý rác thải, than bùn... làm phân bón. Những nghiên cứu trong ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải, chuyển đổi sinh học các nguồn phụ, phế thải nông, lâm nghiệp cũng đang được tiến hành.

Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu bằng các phế, phụ liệu trong nông nghiệp-nông thôn như: cám, trấu, mùn cưa, bã mía, lõi ngô, rơm rạ... đã thu được nhiều kết quả, vừa tăng thu nhập, vừa giải quyết việc làm của ngườì dân.

Nhờ ứng dụng Công nghệ sinh học, thời gian qua chúng ta đã có thể sản xuất quy mô công nghiệp giống cây ăn quả có múi sạch bệnh và giống dứa Cayen chất lượng cao, năng lực sản xuất cây giống cây ăn quả có múi sạch bệnh trong cả nước tăng lên 600.000 cây/năm và với dứa nhân được 10 triệu chồi/năm. Trong chăn nuôi, ứng dụng Công nghệ sinh học để sản xuất tinh, phôi tươi và đông lạnh ở qui mô xí nghiệp nhỏ tự động hóa đã góp phần tăng nhanh số lượng đàn bò sữa cả nước (từ 29.500 con năm 1999 lên 85.000 con năm 2003) đồng thời năng suất sữa tăng (từ 3.150 kg/chu kỳ lên 3.600 kg/chu kỳ). Nhờ ứng dụng công nghệ vi sinh mà các vacxin như: vacxin tụ huyết trùng trâu bò, vacxin dịch tả vịt và Parovirus lợn; các loại phân bón vi sinh và phân hữu cơ sinh học cũng được phát triển.

Trong lâm nghiệp, Công nghệ sinh học đã cho phép sản xuất cây giống Bạch đàn, Keo bằng nuôi cấy mô để trồng trên 10.000 ha rừng và nhân giống vô tính cây Phi lao trong dung dịch.

Qua đấy cho thấy Công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam là một lĩnh vực mới phát triển và đi sau rất nhiều nước kể cả một số nước ASEAN. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Công nghệ sinh học luôn được đặt trong vị trí ưu tiên đầu tư, hứa hẹn một tương lai phát triển vững mạnh cho nền nông nghiệp đất nước.

Nguồn: NongNghiepCongNgheCao.com