Header Ads Widget

Cùng tìm hiểu mô hình trồng rau khí canh

Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và được ứng dụng nhiều trong canh tác nông nghiệp nói chung và trồng rau nói riêng mang lại hiệu quả cao trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp. Một trong những mô hình đó phải kể đến mô hình trồng rau khí canh. Trồng rau khí canh là mô hình được áp dụng ngày càng rộng rãi tại các đô thị lớn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn và thường xuyên. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và thông thạo quy trình trồng rau khí canh, NongNghiepCongNgheCao.com xin giới thiệu tới bạn đọc chi tiết về mô hình cũng như cách trồng rau khí canh hiện nay.

Tìm hiểu về mô hình trồng rau khí canh

Aeroponics Technology là tên gọi của phương pháp trồng rau khí canh. Đúng như tên gọi, phương pháp này không sử dụng đất trồng giống như cách canh tác nông nghiệp truyền thống. Thay vào đó, người dân sẽ trồng rau trong môi trường không khí có chứa bụi dinh dưỡng trong dạng phun sương. Các loại rau sẽ sinh trưởng nhờ hấp thụ bụi thể dinh dưỡng để phát triển.

Cấu tạo và hoạt động của mô hình trồng rau khí canh

Vậy, mô hình khí canh bao gồm những bộ phận nào và hoạt động ra sao? Phần thứ hai của bài viết sẽ giải thích chi tiết.

Cấu tạo

Giá đỡ: Mô hình này có một bộ giá đỡ có tác dụng cố định lại phần rễ cây và thường được cố định tại một bề mặt.

Hệ thống dinh dưỡng: Bộ phận này gồm đầu phun sương để phun chất dinh dưỡng, ống dẫn và các bình chứa, máy bơm với mục đích cung cấp dinh dưỡng nuôi cây trồng.

Cảm biến: Hệ thống này giúp người trồng rau sẽ nhận biết được các yếu tố về ánh sáng, độ ẩm cũng như mức nước… để điều chỉnh hợp lý.

Bình chứa dung dịch dinh dưỡng: Cung cấp dinh dưỡng để phun cho cây trồng.

Ngoài ra, hệ thống còn gồm bình chứa dung dịch dinh dưỡng, vòi phun và ống phân phối nước từ máy bơm ở hồ chứa sang buồng để trồng cây.

Hoạt động

Hiện nay hệ thống trồng rau khí canh có rất nhiều loại, có thể kể tới loại 1 trụ đứng, 3 trụ đứng hay 9 trụ đứng… tùy vào diện tích của từng gia đình. Tại mỗi trụ có khoảng 40 đến 45 hốc trồng rau, mỗi hốc bạn có thể trồng từ 1 đến 3 cây rau.

Mô hình này sẽ cung cấp dinh dưỡng cho cây rau ở dạng phun sương quanh bộ rễ, lượng nước dư thừa sẽ chảy về bồn chứa ở bên dưới và tiếp tục được tuần hoàn để sử dụng cho lần phun tiếp theo. Ngoài ra, bạn cũng có thể hẹn giờ được quá trình phun tưới dinh dưỡng.

Tìm hiểu ưu, nhược điểm của mô hình trồng rau khí canh

Mô hình trồng rau khí canh có những ưu và nhược điểm như sau:

Về ưu điểm

Tiết kiệm: Mô hình này không chỉ tiết kiệm diện tích đất, giúp gia đình ở thành thị vẫn có rau sạch để ăn mà còn tiết kiệm được lượng nước tưới cho cây trồng so với phương pháp thủy canh hay trồng thổ canh.

Trồng quanh năm: Đặc biệt, mô hình này có thể giúp bạn trồng rau sạch ăn quanh năm với đa dạng các loại cây trồng khác nhau.

Hạn chế sâu bệnh: Nhờ trồng khí canh, bộ rễ của cây được cung cấp oxy nhiều hơn nên cây trồng được tăng sức đề kháng. Đặc biệt, những mầm bệnh có trong đất so với phương pháp trồng thổ canh cũng được loại bỏ.

Hạn chế thuốc bảo vệ thực vật: Do cây trồng có sức đề kháng, mầm bệnh ít hơn nên rau trồng ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Năng suất: Theo đánh giá, so với phương pháp trồng rau thổ canh, việc trồng rau khí canh giúp năng suất tăng cao hơn 1.5 lần so với cách thức canh tác truyền thống.

Về nhược điểm

Chi phí cao: So với phương pháp trồng thổ canh, trồng khí canh tốn kém hơn do phải đầu tư lắp đặt hệ thống trồng.

Kỹ thuật: Ngoài ra, mô hình này cũng đòi hỏi người trồng phải thực sự có kỹ năng và kiến thức tốt về vận hành hệ thống.

Cách trồng rau khí canh đơn giản nhất

Nếu không thông thạo về lắp đặt kỹ thuật, bạn có thể mua hệ thống khí canh được lắp đặt sẵn. Tại mỗi ống trụ có nhiều hốc lỗ, mỗi lỗ sẽ được gắn cả rọ và miếng mút để giữ ẩm cũng như giúp cây bám chắc vào trụ. Bạn có thể đặt cây vào rãnh hoặc gieo trực tiếp hạt giống vào lỗ mút.

Hiện nay, loại rau phổ biến trồng khí canh là rau muống, rau cải, rau xà lách… Tùy vào sở thích, bạn có thể tiến hành trồng cùng lúc 1 hoặc nhiều loại giống rau khác nhau trong các trụ.

Ươm hạt

Hạt giống cần được mua tại những địa chỉ bán hạt giống uy tín. Để tăng khả năng nảy mầm của hạt, bạn nên ngâm hạt giống trong nước ấm và ủ bằng khăn ẩm qua đêm cho đến khi thấy hạt giống đã nứt nanh thì đem đi gieo.

Tại mỗi mút, bạn gieo số hạt giống tùy từng loại rau, đối với rau xà lách, bà con gieo từ 2 đến 3 hạt một mút, đối với rau cải cũng tương tự, nhưng gieo rau muống bà con có thể gieo từ 5 đến 6 hạt một mút. Sau khi gieo xong, bạn điều khiển hệ thống tưới phun sương ngày 2 lần vào lúc thời tiết mát mẻ.

Khi cây con mọc lên, bạn có thể pha dung dịch thủy canh với nồng độ 0,75 đến 1 phần nghìn để cây phát triển nhanh hơn.

Lên giàn

Khi cây con được từ 10 ngày tuổi, bạn đưa lên giàn canh tác khí canh để trồng. Nên lên giàn vào lúc thời tiết mát mẻ để tránh nắng nóng làm cây mất nước.

Nếu bạn trồng mỗi loại rau trên 1 trụ thì cần tuân thủ nguyên tắc từ nhỏ đến lớn để tránh các cây che nắng của cây sau. Còn nếu như trồng nhiều loại rau trên cùng một trụ, bạn cần tuân thủ đúng cách sắp xếp các cây ưa sáng cho tới cây ưa bóng, các cây cũng xếp chiều cao từ thấp tới cao.

Chăm sóc

Để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, bạn cần pha dung dịch dinh dưỡng để phun cho rễ. Trước hết, bạn cần kiểm tra chất lượng nước, sau đó pha dung dịch phù hợp. Nồng độ dinh dưỡng cần đạt khoảng 1,1 đến 1,3 phần nghìn.

Phòng bệnh

Dù đã hạn chế được nhiều loài sâu bệnh hại thường lan truyền từ đất, vẫn có một số loài thích nghi được và gây hại rau khí canh mà nguồn gốc từ dịch dinh dưỡng. Loại vi khuẩn và nấm thường gặp nhất là bệnh thối rễ Pythium. Nếu cây trồng có dấu hiệu mắc bệnh, bạn cần sử dụng Hydrogen Peroxide với lượng phù hợp để giải quyết triệt để mầm bệnh.

Tuy nhiên, biện pháp được khuyến khích nhiều nhất vẫn là khử trùng bể chứa dung dịch dinh dưỡng và đường ống dẫn dung dịch. Đặc biệt, giữa các lần thu hoạch và chờ trồng vụ rau mới, bạn cũng nên xả nước và cọ rửa hệ thống, phơi khô trước khi tiến hành trồng.

Thu hoạch

Sau khoảng 30 ngày kể từ khi trồng, bạn nên giảm nồng độ dung dịch dinh dưỡng cho cây. Khoảng 1 tuần trước khi thu hoạch, bạn có thể chỉ cần cung cấp nước sạch và không cần cho thêm dung dịch dinh dưỡng này vào rễ cây nữa. Việc này được thực hiện để đảm bảo chất lượng rau được an toàn nhất.

Trên đây là ưu, nhược điểm cũng như quy trình trồng rau khí canh tại nhà. Mô hình trồng rau khí canh đòi hỏi kỹ thuật cao, tuy nhiên, đổi lại, bạn sẽ sớm có được vườn rau như ý muốn dù không có diện tích đất vườn để canh tác.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA PHƯƠNG PHÁP TRỒNG RAU KHÍ CANH VÀ THỦY CANH

1. Nguyên tắc hoạt động:

- Phương pháp khí canh:

Sử dụng trụ khí canh giúp cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây, cây xanh phát triển chủ yếu dựa vào không khí, môi trường hơi nước ẩm, và chất dinh dưỡng được phun trực tiếp vào rễ cây.

- Phương pháp thủy canh: Rễ cây được trồng trực tiếp trong nước, dung dịch dinh dưỡng.

2. Thời gian trồng cây

Phương pháp trồng cây khí canh giúp rút ngắn thời gian phát triển của cây trồng hơn so với phương pháp thủy canh, rau xanh được thu hoạch sớm và giúp nhanh chóng trồng thêm vụ mùa tiếp theo.

3. Tình trạng sâu bệnh

Cả hai phương pháp đều hạn chế tình trạng sâu bệnh ở cây trồng do không sử dụng đất, giá thể. Tuy nhiên, đối với phương pháp thủy canh, do các rọ trồng cây được đặt sâu và tách rời hoàn toàn nên hạn chế được dịch bệnh lây lan.

Để khắc phục tình trạng sâu bệnh ở phương pháp khí canh, việc sử dụng trụ đứng khí canh là rất cần thiết, với các rọ nhựa được gắn xung quanh trụ đứng, tách rời hoàn toàn sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh và thuận tiện hơn trong quá trình chăm sóc.

4. Nước và chất dinh dưỡng

Với phương pháp khí canh, cây phát triển nhờ chất dinh dưỡng được phun sương trực tiếp vào rễ cây nên sẽ tiết kiệm được tối đa chất dinh dưỡng so với phương pháp thủy canh.

Ngoài ra, bộ rễ của rau trồng bằng phương pháp khí canh cũng hoạt động tốt hơn, tránh tình trạng úng rễ như phương pháp thủy canh.

Tùy vào nhu cầu mà các bạn lựa chọn phương pháp trồng rau phù hợp, cả hai phương pháp thủy canh và khí canh đều giúp cung cấp rau sạch mà không cần sử dụng đến phân bón, hạn chế tối đa sâu bệnh, tiết kiệm diện tích nhà ở.

Nguồn: NongNghiepCongNgheCao.com