Header Ads Widget

Tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đang là một xu thế không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ nói riêng và hệ sinh thái môi trường nói chung vốn là một vòng tuần hoàn của tự nhiên. Vì khoa học ngày càng phát triển, đặc biệt là lĩnh vực hóa chất đã tạo ra nhiều sản phẩm tiện lợi, đa năng. Tuy nhiên, hệ lụy của việc sử dụng các sản phẩm hóa học thì chính những người tạo ra nó cũng không lường trước được. Để tìm hiểu rõ hơn về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái là gì, mời quý khách theo dõi bài viết sau đây của NongNghiepCongNgheCao.com nhé!

Nông nghiệp hữu cơ là gì?

Trong nông nghiệp, việc sử dụng các sản phẩm hóa học như: thuốc diệt cỏ hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học đã gây ô nhiễm môi trường đất, nông sản bị nhiễm độc, nguồn nước bị nhiễm độc,... làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và chất lượng cuộc sống của con người.

Theo quan điểm của Tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM): “Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.”

Vậy canh tác hữu cơ là gì? Dựa theo quan điểm trên, có thể hiểu một cách đơn giản rằng canh tác hữu cơ là một hình thức sản xuất nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ hoàn toàn sản phẩm có chứa chất hóa học như: thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học, chất kích thích trong chăn nuôi, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng,...  Trong quá trình canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, người nông dân chủ yếu dựa vào việc quay vòng mùa vụ kết hợp với các chế phẩm, tận dụng chất thải nông nghiệp để tái sử dụng.

Các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ?

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Các nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, và kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác.

Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.

Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM: “Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người.”

Nhìn chung Canh tác Nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao… Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương,…

Vai trò của nông nghiệp hữu cơ

Đối với sản xuất nông nghiệp hiện đại

Dựa trên nền sản xuất nông nghiệp truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học, canh tác hữu cơ ngày càng phát triển để tạo ra các sản phẩm bảo vệ môi trường, tăng sản lượng và chất lượng nông sản. Mô hình này sử dụng các sản phẩm công nghệ như: thuốc diệt cỏ sinh học, phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học,...

Trên thế giới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được ứng dụng từ rất lâu. Ở Việt Nam, mô hình này cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn, đặc biệt là người tiêu dùng.

Đối với môi trường

Mục đích hàng đầu của việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ là nâng cao sức khỏe và năng suất của đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người. Theo Tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế IFOAM: “Nông nghiệp hữu cơ có vai trò quan trọng trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật, từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người.”

Tóm lại, canh tác nông nghiệp hữu cơ giúp cải thiện, duy trì cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp; hạn chế việc khai thác quá mức; gây ô nhiễm môi trường; giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên không thể tái tạo; sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại và chất lượng cao;… Ngoài ra, mô hình này còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất; củng cố các chu kỳ sinh học, dinh dưỡng trong nông trại; bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa; đa dạng hóa phương thức trồng trọt và chăn nuôi sao cho phù hợp với điều kiện địa phương;…

Tại sao người tiêu dùng lại chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ?

Khi đời sống vật chất càng phát triển, nhu cầu về sức khỏe sẽ càng được quan tâm hơn. Các sản phẩm được sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ đảm bảo không có thuốc trừ sâu và không sử dụng chất kích thích tăng trưởng. Hơn nữa, hương vị của thực phẩm cũng thơm ngon hơn, giảm thiểu nguy cơ gây ra các bệnh ung thư hơn so với các sản phẩm sản xuất thông thường.

Phân biệt sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm sạch

Về quy trình sản xuất

- Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Quá trình sản xuất các sản phẩm hữu cơ đảm bảo không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hay các chất kích thích tăng trưởng. Nguồn thức ăn phục vụ quá trình chăn nuôi là hoàn toàn tự nhiên.

- Sản phẩm nông sản sạch: Quá trình sản xuất vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, các chất điều tiết tăng trưởng ở định mức tiêu chuẩn cho phép.

Về chất lượng sản phẩm

- Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Thơm ngon hơn vì giữ được hương vị tự nhiên, thời gian bảo quản cũng lâu hơn, hoàn toàn không có tồn dư hóa chất.

- Sản phẩm nông sản sạch: Vẫn có thể tồn dư hóa chất ở định mức nhất định. Chất dinh dưỡng trong sản phẩm nông sản sạch vẫn có thể bị biến đổi, không giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên của sản phẩm.

Nguồn: NongNghiepCongNgheCao.com